Thứ ba, Tháng mười 15, 2024

CÂU CHUYỆN CỦA HƯƠNG

Truyện ngắn

LÊ KIÊN THÀNH

 

Nó thường đến sớm nhất lớp, mở cửa sổ nếu trời không mưa, và ngồi ngắm khung cảnh tuyệt vời và rất đỗi thân thương với nó: Hồ Tây. Từ chỗ ngồi này, may mắn duy nhất trong đời mà nó có, nhìn thấy phần đẹp nhất của hồ với con đường Thanh niên rợp bóng cây xanh uốn quanh.

Lớp10 là cuối cấp, học sinh cũng lớn nhất trường, nên chúng nó phải leo lên tận tầng 3 của tòa nhà, và thế là được cái không gian đó, cái cảm giác bồng bềnh đó mà nó nghĩ sẽ theo suốt cả cuộc đời. Chẳng bù cho những lúc ở nhà, thật tù túng và chật hẹp đến khó chịu.

Bố là đại tá quân đội, không biết thế là to hay bé nữa, nên gia đình được cấp một căn nhà cấp 4 ở phố “nhà binh” Lý Nam Đế. Chỉ có 2 phòng nhỏ. Hồi xưa, lúc bố đi B, ba mẹ con ngủ phòng trong, phòng ngoài để tiếp khách. Giải phóng xong, bố được về làm ở cơ quan bộ, nó và em ra phòng ngoài, nên nhà đã chật lại thêm chật hơn.

Thế nên, mỗi lần đến lớp vào những lúc vắng vẻ, được nhìn Hồ Tây buổi sáng, hít thở không khí trong lành và có mùi hương đặc trưng của hồ là những giây phút mà nó cảm thấy quý giá nhất. Hôm nay cũng vậy, đang thả mình theo con gió từ hồ man mác thổi tới, tận hưởng cái im lặng hiếm có của một lớp học, tự nhiên nó cau mày khó chịu: đứa nào viết bậy ra bàn đây?

Bàn học của nó thì cũng như muôn vàn cái bàn của học trò thôi, loang lổ vết mực, sứt sẹo bởi những vết dao chém hay phi, đôi khi là cả nháp đầy các con số. Thường thì nó ghét nhất là ai viết lên đó, dù là chửi bậy hay là một câu thơ. Nhưng nét chữ lại gây sự tò mò, rất đẹp, đều, hơi nghiêng. Kiểu chữ nửa in nửa thường, chữ a,d,g, h đều không có ngoặc lên.

“ Chào nhé. Tớ học buổi chiều. Chỗ chúng mình ngồi nhìn ra ngoài đẹp nhỉ?”.

Nó định viết ngay cạnh: “Đừng bôi bẩn!”, nhưng lại nghĩ: “Thế hoá ra cùng bôi bẩn với nó à!”, nên thôi. Dở hơi. Rách việc. Cái cảm giác lâng lâng khi nãy tụt còn không đến một nửa. Nẫu cả ruột.

Hôm sau, lại cũng ngay chỗ đó, có dòng chữ: “Này, đằng ấy là nam hay nữ?”. Lần này thì hết chịu nổi, nó rút bút bi và viết ngay bên cạnh: “Tao là ANO “. (Trong tiếng Nga OHO- phát âm ano- là đại từ ngôi thứ 3, giống trung, khác với giống đực và cái ). Hơi thô lỗ nhưng để đằng kia nín đi, nó nghĩ.

Quả nhiên không thấy dòng chữ xuất hiện. Thế chứ! Nó cười và thấy niềm vui nhỏ bé của mình dường như quay trở lại. Nhưng hôm sau nữa thì tồi tệ hơn nhiều khi dòng chữ lại hiện trên mặt bàn: “Chào Ano, hy vọng bạn không phải là người Nhật, mình là C. Rất vui làm quen với bạn!”

Trời ơi, không thể chịu nổi! C là gì, là cam hay là cứt? Điên tiết! C với chẳng D, E,F! Nó rút cây bút bi và cẩn thận vẽ thật giống một cái nắm đấm, giữa ngón trỏ và ngón giữa thò ra ngón cái, với thông điệp:” muốn “tay bo” không, thằng (con) kia?”.

Trên đường đi bộ về nhà, nó với thằng Minh, vừa bạn học lại vừa là hàng xóm khu tập thể, khác hẳn với mọi hôm, chẳng đứa nào nói với nhau câu nào. Quá nửa đường Minh mới thốt lên:

– Hôm nay trả tập làm văn, cậu được mấy?

– 8, như mọi khi thôi, còn cậu?

– 5! Biết thầy phê gì không? “Bài có vài ý hay nhưng chữ cực xấu và tệ nhất là nhầm lẫn tên các nhà thơ. Tôi cho em 5 điểm với một dấu trừ dài như cầu Long Biên để em cố gắng!”.

Xong, Minh thở dài thườn thượt. Rồi quay sang hỏi:

– 8 điểm mà sao mặt như mất sổ gạo thế? Tớ nói thật nhé, chưa bao giờ tớ được 8 điểm tập làm văn cả. Cũng chỉ tại chữ xấu và hay nhầm tên các nhà văn, nhà thơ thôi. Thuộc được nhiều thơ để trích dẫn là tốt lắm rồi chứ của Tố Hữu hay Giang Nam thì chẳng khác nhau lắm, Hương công nhận không?

Đầu nó đang lung bung chuyện khác nên nó nói lấy lệ: “Ừ, chẳng khác gì!”.

– Minh này, Hương đang muốn nhờ một chuyện, chẳng biết có được không?

– Sao, muốn tớ đánh thằng nào à?

– Cứ mở miệng ra là đánh nhau! Giỏi thì đi bộ đội mà đánh nhau đi, ghét!

Minh cười xòa, khi cười trông bạn hiền khô:

– Tớ đùa, nhưng đấy là thứ duy nhất bạn cần tớ thôi! Thế có gì, nói đi.

– Để Hương nghĩ! Nhưng nếu nhờ là phải làm đấy.

– Thôi được, mai gặp rồi nói nhé.

Nhà Minh giống hệt nhà nó, bố đại tá, đi B biền biệt. Nó hay chơi với em gái Minh, còn Minh lại hay đàn đúm với đám con trai trong khu tập thể, trong đó có thằng em trai của nó. Chúng nó, và nhiều đứa trẻ con trong khu đều là kết quả của những lần về phép vội vàng của bố. Thường là được đặt tên là Nam, Bắc, Thắng hay Thống Nhất nếu là trai, Thu (mùa thu), Hà (Hà nội), Hằng (ngày rằm) nếu là gái, tại sao chúng nó lại là Hương và Minh nó cũng không hiểu.

Minh hình như nhiều hơn nó một tuổi, giấy tờ lộn xộn thế nào mà đi học muộn, nên ở lớp cao hơn các bạn cả cái đầu. Được, nếu cần xử lý sẽ cho C hay D, E gì đó biết tay, nếu là trai. Còn là gái thì chỉ cần Minh đứng cạnh thôi, nó thừa sức! Giỡn với đám quân khu mà được à!

Hôm sau, ngay cạnh quả đấm nó vẽ là một cái mặt cười nham nhở, trông lộn cả ruột. Thế này thì xong rồi, chắc sẽ là chiến tranh, nó nghĩ. Lại có một mũi tên dài chỉ vào hộc bàn, đầu mũi tên ghi chữ: “xem”

Nó ngần ngừ rồi khoắng tay vào hộc bàn và lấy ra một tờ giấy gấp làm tư.

“Thôi, mình đừng bôi bẩn cái bàn kỷ niệm này nữa nhé. Một hôm, nhìn ra Hồ Tây buổi chiều đẹp quá, bất chợt nghĩ: người ngồi đây buổi sáng chắc phải là người đặc biệt, vì tôi cũng là người đặc biệt, thật đấy, nên mạnh dạn làm quen. Ano đừng nghĩ ngợi gì nhiều nhé. À, cái cặp tóc của bạn thật dễ thương, hợp với bạn lắm”.

Nó ngồi bần thần một lúc. Thế có nghĩa là đã nhìn thấy mình rồi à, tức thật, nó nghĩ. Định xé mảnh giấy nhưng đọc lại và nhìn kỹ những dòng chữ rất đẹp và rất lạ kia nó lại ngập ngừng. Sau một hồi suy nghĩ, nó nhét mảnh giấy vào bên trong lớp bọc vở, cẩn thận nhìn lại, môn Sinh học.

Đi học về, Minh im lặng không nói, ra vẻ chờ đợi.

– Minh này, cậu định thi vào trường nào?

– Tớ đang còn nghĩ. Nếu là Tổng hợp Văn thì theo Hương có được không?

Nó bỗng cười lên sằng sặc, rồi nín bặt khi nhìn thấy nét mặt đau khổ của Minh, rồi như không kìm được lại phá lên cười dữ dội hơn. Như bị lây, Minh cũng cười nghiêng ngả theo, dúi đầu cả vào vai nó mà cười.

Chán chê, vừa lau nước mắt Minh vừa hỏi:

– Thế Hương định nhờ gì?

– À, mai Minh nán lại tý xem ở lớp buổi chiều, đứa nào ngồi chỗ của mình vậy. Chẳng có gì, là nó viết ra bàn trêu tức tớ thôi.

Minh nhìn nó vẻ đầy ngạc nhiên rồi lần này là người châm mồi cho cơn cười điên dại của hai đứa bùng lên mà không gì dập tắt được.

Bò được về đến nhà, nó thở hổn hển: “Minh về nhé!”. Đóng cửa, nghe thấy tiếng Minh vẫn đang khùng khục, nó lao bắn vào phòng, úp mặt xuống gối của mẹ mà cười như một con điên. Mẹ nó bước vào, nhìn nó lẩm bẩm: “Con gái lớn rồi đừng vô duyên thế được không?”

Ngày hôm sau, đầu mũi tên có số 2. Một mảnh giấy nữa, ở góc ghi số 2.

“Ano này, bạn có nghĩ hai người xa lạ lắm lắm lại có thể cùng ngồi với nhau trong một lớp học, cùng một chỗ và thỉnh thoảng lại cùng ngắm một khung cảnh đẹp vô cùng của Hà Nội không. Chắc phải có duyên nợ gì, mình nghĩ thế!” Nợ gì, có mà nợ đời ấy, nó lẩm bẩm. Không biết có nên nhờ Minh nữa không nhỉ, hôm qua nó cười thế chắc nghĩ mình dở hơi.

Cứ thế rồi 3,4,5 xuất hiện bên cạnh mũi tên và từng đó mẩu giấy gửi cho nó, Ano, với những lời lẽ nhẹ nhàng, có gì đó ân cần nhưng tuyệt nhiên không phải tán.

Rồi như thành thói quen từ lúc nào, đến lớp, mở cửa sổ xong là nó lặng lẽ lấy mẩu giấy gấp làm tư đấy, đọc chậm rãi những dòng chữ viết nghiêng rất lạ và rất đẹp, rồi nhìn ra Hồ Tây và mỉm cười bâng quơ. Minh thì vẫn chờ đợi nó ra lệnh. Vài lần nói bóng gió nhưng nó lờ đi, hình như cái vẻ tức tối ban đầu không còn ở nó nữa, mà nó lại không giả vờ tức tối được, khổ thế.

Minh vẫn thở dài thườn thượt mỗi khi trả tập làm văn, vẫn tội chữ xấu và nhầm lẫn tên tác giả, thật tội. Nó thương mà chẳng biết giúp Minh thế nào, không lẽ đè ra bắt tập viết như trẻ con vỡ lòng?

Thế rồi một hôm, tự nhiên Minh nói: “Mình biết đứa ngồi chỗ Hương buổi chiều rồi, thằng Chính, cũng con nhà bộ đội ở khu Hoàng Văn Thụ, có muốn mình nói gì với nó không?”

Nó hơi đỏ mặt: “Thôi, dạo này cũng đỡ rồi. À mà nó trông thế nào?”.

Minh nhướn cặp lông mày rậm nhìn sâu vào mắt nó một giây, thoáng ngạc nhiên: “Nó có tán Hương không?”

Nó cười ngượng nghịu:

– Điên à! Là hỏi thế thôi!

– À, thì cũng tầm tầm như mình thôi, hơi trắng và hơi lùn hơn.

Ôi, sao toàn những thứ mà nó ghét nhất ở con trai, trắng và lùn, thật kinh khủng, nó nghĩ và thất vọng. Nhưng cái nét chữ ấy lại nói lên một cách khác về con người ấy, tại sao lạ thế, nó lẩm bẩm.

– Nhìn nó lại nhớ ra vài năm trước bọn con trai khu mình đuổi bọn nó chạy phịt khói, chạy nhanh nhất là thằng Chính đấy!

Minh ngoảnh mặt đi cười khoái chí, không biết vì đã thắng quân khu Hoàng Văn Thụ hay vì thấy mặt nó nghệt đơ ra.

Nó quyết định viết thư trả lời.

“ Chào C.

Xin lỗi đến hôm nay mình, Ano, mới trả lời. Rất vui vì người học buổi chiều cũng có những cảm xúc giống mình khi ngồi đây và nhìn ra Hồ Tây. Thực ra, không hiểu sao, mấy đứa cùng lớp lại không cảm thấy thế. Khi thấy Hà Nội đẹp là sẽ biết yêu nó sâu hơn và sẽ làm được những điều tốt cho nó. Phải thế không C?”

Nó run run đút vào hộc bàn, đúng nơi mà nó hay nhận được thư, rồi cẩn thận viết số 1 vào bên trái mũi tên và bật cười khi thấy bên phải đã lên tới con số 27!

“28. Rất bất ngờ khi nhận được trả lời của bạn. Cám ơn Ano nhé. Thật ra, chỉ ngồi viết cho bạn vài dòng, dẫu biết sẽ không có hồi âm, nhưng mình vẫn rất vui. Vì được trải lòng. Vì được chia sẻ. Niềm vui và hạnh phúc nhiều khi cũng chỉ có thế, thật giản dị, Ano nhỉ. Hôm nào bạn có thời gian, mình mời đi ăn bánh tôm và bún ốc ở Phủ được không. Mời chân thành, đừng ngại!”.

Ơ, sao mà lại trùng hợp thế nhỉ, đó là hai món nó thích vô cùng. Nhớ tuần trước mới rủ cái Linh, em Minh đi ăn xong. Lúc đợi nó ngoài cửa, thấy Minh dúi tiền cho em: “Trả đi, nó chẳng có nhiều tiền đâu”.

Lúc đó nó nghĩ:” Minh là người tử tế, tiếc là không sâu sắc như ai kia”.

Hôm thằng em nó rón rén về nhà, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, áo quần rách bươm, nhìn nó cầu khẩn: “Em bị đám trẻ con ở Vườn hoa Hàng Đậu vây đánh, may có anh Minh đi ngang cứu. Chị đừng nói gì với bố mẹ nhé!”.

Chiều, nó sang nhà Minh để cám ơn, đã thấy tiêng quát của bố bạn: “Mắt tím bầm thế kia thì đánh nhau chứ ngã gì mà ngã. Thích thì đi bộ đội mà đánh giặc! Lếu láo”.

– Cháu chào bác ạ. Hôm nay bạn ấy trượt chân ở cầu thang đấy ạ!

Nó nói tỉnh queo làm bố Minh sững sờ:

– Thật thế à cháu. Con vào tủ lấy chai mật gấu ra đây bố bôi cho. Chắc nghịch phá ở trường mới ngã nặng thế.

Nó cầm lấy chai mật gấu, dùng bông chấm xung quanh chỗ bầm của Minh. Khi bố Minh vào phòng trong, thấy Minh nhăn nhó vì đau, nó cố tình ấn mạnh một cái và nói nhỏ:

– Cám ơn đã bảo vệ em mình. Thích đánh nhau thì đi…

– Bố nói rồi, nghe rồi!

Gần Tết, trong lá thư 49, Chính nói: “Thứ bảy có trận giao hữu giữa hai trường, C sẽ đứng ở gần cầu môn cạnh cổng, Ano ra nhé? Mình mặc áo bông bộ đội, có huy hiệu đoàn trên ve áo. Hơi kỳ nhưng để bạn dễ nhận ra”.

Suốt mấy ngày hồi hộp và lo âu. Mẹ nó mấy lần quát: Con bị làm sao thế, cái bút cầm trên tay mà cứ hỏi bút con đâu, bút con đâu, là sao?

Hôm đó, gần hết trận rồi mà nó không thấy có ai có vẻ giống Chính cả, lạ nhỉ. Nó chọn cái áo len mặc ôm lấy người, cái khăn quàng cổ màu đỏ nổi bật khiến cả con trai con gái của hai trường đều nhìn theo ngưỡng mộ, thế mà…

Bỗng có ai chạm vào vai, nó quay lại, là Minh. Ghé sát tai nó, Minh nói to trong tiếng reo hò cổ vũ của hai trường: “Chính nó nhắn qua thằng bạn là bận, hôm nay không đến được”.

Vừa lúc ấy đội trường nó đá vào thêm một quả nữa để vươn lên dẫn trước, tiếng la hét vang trời! Nó bất ngờ ôm chặt tay Minh, thét to chưa từng thấy:

– Vào rồi, vào rồi!

Một cảm giác hả hê khi trả được một mối thù nào đó.

Nghỉ Tết xong, quay lại trường, ý nghĩ đầu tiên khi nhìn thấy cái bàn học trò thân yêu của nó là: “Chấm dứt! Không thư từ gì nữa! Bai nhé C,D,E,F. Tớ còn học để thi”.

Nhưng lạ, cứ mỗi sáng, nó nhìn cái mũi tên, vẫn chỉ thấy số 49. Càng tốt thôi, có sao đâu, hoàn toàn không sao đâu. Nhưng cái gì đó bất an cứ len lỏi trong tâm hồn nó. Đã bao lần định viết hỏi thăm nhưng lý trí lại cản nó lại: Hương, không được! Thế người ta bảo cọc đi tìm…

Cái ngày thứ bảy, 17 tháng 2 năm 1979 tưởng sẽ bình thường như bao ngày nhưng không phải. Nó vẫn nhớ rõ từng lời và giọng nói nghiêm trang, đầy xúc động của cô phát thanh viên Đài tiếng nói Việt nam: “…bọn bành trướng đã lộ rõ bộ mặt thật của chúng khi nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới nước ta…”.

Hà Nội vẫn vậy, chẳng có gì xáo trộn. Chỉ trầm xuống. Trời như rét hơn một tý.

Ở trường, bọn học trò dường như ít quậy phá la hét hơn. Thỉnh thoảng bài hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, giục toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới…” từ loa phát thanh công cộng lại bay vào từng lớp mà các học trò đang im lặng nghe giảng bài.

Bỗng một hôm nó nhận ra, hình như cả ba bốn ngày nay Minh không đi học, chắc cảm cúm gì. Chiều học bài xong nó chạy qua nhà Minh, thấy mỗi cái Linh đang ở nhà, nó bảo:

– Gọi anh Minh ra cho chị hỏi cái này.

Cái Linh tròn mắt:

– Ơ, anh Minh đi bộ đội rồi chị không biết à?

– Cái gì, đã đủ tuổi đâu mà đi?

– Anh ấy đi học muộn nên gần đủ tuổi rồi. Viết cái đơn đầu người ta không chịu, cái thứ hai anh ấy ký tên bằng máu bắt bố em đưa cho người quen trong quân đội, thế là họ phải nhận. Anh ấy đi từ hôm kia rồi!

Nó bần thần ngồi xuống ghế, một cảm giác thiếu vắng một cái gì rất thân thiết, rất gần gũi tràn ngập trong nó. Cái Linh rút trong tủ ra tờ giấy: “Đơn đầu tiên anh ấy viết đây này chị.” Nó cầm như cái máy, mắt nhìn vào cái mũ quen thuộc của Minh treo trên móc mà nước mắt chực tuôn trào. Liếc vào lá đơn, nó giật mình, thất thanh:

– Đây đâu phải là chữ của Minh?

– Của anh ấy đấy chứ còn của ai!

Nét chữ viết nghiêng, nửa như in nửa như bình thường, đều tăm tắp và tuyệt đẹp. Sao lại thế, mình ngủ mê à, nó nghĩ.

– Anh Minh hồi học vỡ lòng bị đánh ghê lắm vì viết tay trái, tay thuận của anh ấy. Cuối cùng anh ấy viết tay phải và bảo rằng sẽ là người viết chữ xấu nhất Việt nam để chứng minh cho thầy cô biết nên tôn trọng cuộc sống, đừng cưỡng bức, chị ạ!

Nó bất chợt nhận ra miệng cứ há không ngậm từ lúc nào. Thế là chả có Chính nào, C nào, cứt nào! Tại sao vậy nhỉ? Một trò đùa hay một sự giễu cợt? Cái Linh nhìn khuôn mặt thất thần của nó tỏ ra thông cảm:

– Anh ấy cũng làm bố mẹ em bất ngờ nhiều lần lắm. Nghe anh nói sẽ thi Tổng hợp Văn, mẹ em xì: con thì văn vẻ gì! Vài hôm, anh ấy mang cho cả nhà xem chứng nhận giải ba thơ của báo Văn nghệ chị ạ.

Nó nhớ lại trận cười của hai đứa trên con đường đầy lá, cái dụi đầu làm ấm vai nó. Thế rồi nước mắt cứ tuôn chảy không cách gì đừng được. Thẫn thờ bước chân ra cửa, nó nghe Linh nói với: “Khi nào có địa chỉ em sẽ báo nhé, chị Hương!”

Phải đến gần thi đại học cái Linh mới cầm cái phong bì sang: “Anh Minh gửi chị này”. Tay run run mở phong bì, chưa bao giờ nó thấy tim mình đập mạnh và nhanh đến thế.

“50.” Mới chỉ đọc con số nó đã nấc lên, nước mắt nhoè nhoẹt không sao đọc tiếp được.

“Hương ơi, ( hay bạn thích được gọi là Ano?), mình cầm bút viết mà cứ suy nghĩ không biết bạn còn muốn đọc gì đó của đứa bạn “nhà bên” chứ không phải Chính nào đó nữa không. Hãy nghe mình kể ngọn ngành rồi có giận hay ghét gì cũng kịp nhé. Từ khi phát hiện Hương hay đi học sớm, mình vừa ngạc nhiên vừa hơi lo. Thấy bạn chỉ ngồi im ngắm Hồ Tây sau vài ngày là mình hiểu. Nên hằng ngày, Minh đi sau bạn vài bước chân ở vỉa hè bên kia thôi, nhỡ đâu… Rất muốn được ngồi gần bạn những lúc đó để cùng ngắm Hồ Tây, lung linh về mùa hè, chìm trong sương khói về mùa đông, mà không dám.

Rồi nảy ra ý định giả làm C để được nói chuyện với bạn. Thật không may Hương lại có vẻ thích C nên mình đã bịa ra đủ thứ mà biết bạn rất ghét để gán cho C. Sau thế nào thì bạn biết rồi. Linh bảo Hương sẽ thi bách khoa, mình rất mừng. Hết nghĩa vụ, (mình cố gắng lấy bằng phổ thông ở đây), Minh sẽ vẫn thi Tổng hợp Văn mặc dù nhớ là Hương đã cười ngặt nghẽo thế nào! Hãy thi tốt và đừng giận Minh nhé,mà có giận thì giận ít thôi, chỉ vì mình rất nhớ bạn”.

Nó ngồi như bất động. Sao mình có thể vô tình khi hằng ngày ở cạnh, đi trên cùng một con đường, ngồi trong cùng một lớp học với con người tuyệt vời như Minh được nhỉ. Bây giờ nó mới thấy mình nông cạn biết bao, tẻ nhạt biết bao trong cuộc đời. Ôi, Minh đã dũng cảm bước từ cái bình yên của tuổi học trò vào cuộc sống người chiến sĩ đầy thử thách nhẹ nhàng như hơi thở vậy. Minh ơi, nếu có thể, hãy tha thứ cho Hương nhé, nó nghĩ mà thấy lòng mình quặn đau.

Minh không viết thư thường xuyên, vài ba tháng một cái, nhưng bao giờ cũng gần chục trang kín mít. Những câu chuyện về thao trường, những lần ngủ quên bỏ ca gác, những tối đi trêu gái bị trai làng đuổi đánh làm nó đọc mới chảy nước mắt dàn dụa vì thương nhớ lại ôm bụng cười sằng sặc.

Nó viết lại thì không nhiều. Hãy để Minh biết tội của mình đã, nó nghĩ. Chỉ vài ba kỷ niệm về trường cũ, con đường hay đi, những trận cười nghiêng ngả… Gặp nhau rồi sẽ biết thế nào là lễ độ, nó nghĩ.

Hết thời kỳ huấn luyện, Minh được chuyển lên biên giới, thư từ còn thưa nữa. Nhưng thời gian dù bò như rùa thế mà cũng đã gần 3 năm. Khi nó thi năm ba thì nhận được lá thư 75: “Minh đã có bằng phổ thông. Về ôn lại rồi thi đại học. Có gì Hương giúp nhé”.

Một hôm đi học về, thấy trong khu ngào ngạt mùi hương, nó rón rén hỏi mẹ: “Trong khu mình có ai mất hả mẹ?” Mẹ nó cau mày: “Nhà bác Định có giỗ, bác ấy vừa hóa vàng, chết đâu mà chết, phỉ phui cái mồm mày”.

Nó thì còn nhớ từ hồi chiến tranh, khi thấy trong khu sực mùi hương là có tin xấu từ chiến trường, ai đó hy sinh. Đặc biệt ở đây, trong khu nhà binh này, mọi người không khóc to, không kêu thét, mặc dù nỗi đau là vô cùng tận. Dường như để khỏi ảnh hưởng đến những gia đình còn có người ở chiến trường. Tiếng nức nở như bị nuốt vào và cứ ở bên trong mà xé nát nỗi lòng người còn sống. Chỉ một viên đạn thôi mà làm một người chết rất nhanh và làm những người khác chết đi chết lại nhiều lần, nó đã nghĩ thế.

Hà Nội đã vào mùa lá rụng. Dù có đi đâu nó cũng vòng qua phố Phan Đình Phùng, đạp chầm chậm để nghe lá xao xác, để nhìn từng gốc cây mà nó đã thuộc có bao nhiêu hốc nhỏ và để kỷ niệm thủa học trò cứ ùa về từng trang, từng trang…

Nhớ hôm đi ăn bún ốc với nó, cái Linh nói vô duyên không tưởng tượng được: “Nhà chúng mình gần thế, nếu chị và anh Minh yêu nhau, lấy nhau thì cứ mỗi hôm ở một nhà, hay kinh khủng, chị nhỉ.” Nó sặc cả bún lên mũi làm cái Linh cứ ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Hôm nay là thi xong môn cuối cùng của năm 3, nó đạp nhanh để về ăn chiều rồi sẽ ngủ hai ngày cho thỏa thích. Mấy ngày học ôn thi chỉ thèm ngủ, thèm ghê gớm!

– Mẹ, chiều ăn gì hả mẹ. Nhà ai lại có giỗ nữa thế?

Mẹ nó trong buồng bước ra, mắt đỏ hoe:

– Con ơi, Minh nó hy sinh rồi. Con sang chia buồn với cô chú đi. Tội nghiệp…

Nó ném cặp sách xuống sàn nhà và chạy ra ngoài.

Mẹ của Minh, cũng như bao phụ nữ trong khu, khóc không thành tiếng trước bàn thờ gia đình mới có thêm tấm hình bạn: “Con ơi, con ơi, sao bỏ bố mẹ, bỏ em đi sớm thế…” Bố Minh, tóc bạc phơ, mang trong mình 7 vết thương, có lần bạn nói thế, ngồi im với hai hàng nước mắt chảy dài.

Nó thắp một nén hương, cắm cho bạn, nhìn tấm ảnh và ngạc nhiên, sao bọn con gái ở lớp cũ nói Minh đẹp giai đúng thế nhỉ, còn nó đến bây giờ mới nhận ra điều đó. Nó ôm Linh vào lòng, xoa nhẹ lên mái tóc, thì thầm: “Cố gắng giữ sức khoẻ cho mẹ, em. Có gì cứ gọi chị”.

Linh gật gật và nói trong tiếng khóc: “Chị đợi em”, rồi chạy vào nhà và mang ra cái phong bì: “Anh ấy dặn, nếu anh không về đưa cái này cho chị”.

Đêm đã khuya lắm, nó ngồi một mình trong góc, nhìn trân trân vào chiếc phong bì mà đã bao lần định mà không dám mở. Giật mình vì tiếng gà nhà ai nuôi gáy, nó lấy mảnh giấy ra đọc:

“Hương quý mến!’’

Mới nhìn hàng chữ nghiêng, đều tắp, đẹp như in, lần đầu tiên từ khi nghe tin bạn hy sinh, nó òa khóc nức nở:” Minh ơi, sao vậy, Minh đã hứa với Hương sẽ về mà…”.

“ Hương quý mến!

Khi Hương đọc những dòng này có nghĩa là anh đã ở nơi xa lắm, xa tới mức mà dám xưng anh với người bạn ấu thơ cơ đấy! Dẫu thế, anh đã hưởng được hương vị ngọt ngào của tiếng- anh- Hương ạ, ngọt không tả nổi. Hãy sống và hãy làm những gì mình mơ ước. Có gì khó, hãy ới anh như em vẫn thường làm và anh sẽ giúp. Bằng cách nào anh chưa biết nhưng nhất định sẽ giúp, tin anh đi. Khi nghĩ em thích bạn C nào đó, anh buồn và làm bài thơ này, em đọc và có thể sẽ hiểu anh phần nào:

TRÁI TIM ĐAU

Hãy cứ làm tim anh đau em nhé

Bởi trong nỗi đau anh chợt thấy tình anh

Sâu như biển cả, rộng như trời xanh

Có chim hót và hương theo gió nhẹ

Hãy cứ làm tim anh đau em nhé

Anh ngất ngây sau mỗi cơn đau

Cám ơn tình yêu với phép nhiệm mầu

Cho cả niềm vui và nỗi buồn bất tận

Hãy cứ làm tim anh đau em nhé

Lỡ mai đây tim chợt hết đau

Em đừng nghĩ là tình yêu đã cạn

Chỉ bởi anh đi, có thể, chẳng hẹn về.

Nói em đừng cười, anh đã yêu em từ năm lớp 3 cơ, khi em bị cô Hiền lấy thước kẻ đánh vào tay và đứng góc lớp khóc”.

Nó ôm mảnh giấy với những nét viết tuyệt đẹp vào ngực và khóc nức nở không thành tiếng, vì từ giây phút này, nó đã là người phụ nữ của khu gia binh.

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây