PHAN VĂN CƯỜNG (Cựu chiến binh)
Dạo ấy, khoảng tháng 5 năm 1981, bắt đầu mùa mưa ở Campuchia, đơn vị Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 250, sư đoàn 309, MT479 chúng tôi đang đóng quân tại vùng Tà sanh – Sam lot thuộc tỉnh Battambang (CPC), được lệnh hành quân chi viện cho Tiểu đoàn 3 ở vùng Tưc sóc. Đợt đi này tuy không hết quân số tiểu đoàn nhưng cũng khá đông, gồm chỉ huy tiểu đoàn, các đại đội như C6, C7, C8 (trừ C5 giữ chốt), các bộ phận tiểu đoàn bộ. Ngoài ra, một số bộ phận của trung đoàn 250 tăng cường đi cùng tiểu đoàn như trinh sát, công binh, một số cán bộ chỉ huy trung đoàn, do anh Cúc (anh là lính cũ thời chống Mỹ, quê Thanh hóa), đại úy, tham mưu phó trung đoàn tổng chỉ huy.
Tải thương trên chiến trường ( ảnh tư liệu)
Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa một số lượng lương thực, thực phẩm… vào cho đơn vị bạn để phòng ngự cho mùa mưa đến. Đường vào tiểu đoàn 3 không cho phép ô tô tải đi được vì đường rất xấu, địch thường xuyên cài mìn và phục kích. Nếu bố trí xe vào thì phải huy động cả trung đoàn chốt đường, rà phá mìn… điều đó là không thể.
Sáng hôm đó, chúng tôi thức dậy sớm bắt đầu ăn uống đủ no để dự định gần chiều sẽ vào đến đơn vị bạn thì nghỉ và ăn tối luôn. Các đại đội của tiểu đoàn cũng đã về sở chỉ huy tiểu đoàn đầy đủ. Tất cả đoàn bắt đầu đóng gạo thực phẩm vào ba lô… Các bộ phận trung đoàn thì tối qua đã đến trước và nghỉ đêm tại tiểu đoàn bộ. Sau khi chỉ huy Trung đoàn và tiểu đoàn phổ biến, quán triệt nhiệm vụ, đoàn quân bắt đầu xuất phát. Đội hình hành quân tương đối dài, vì phải đi có khoảng cách đề phòng địch phục và dính mìn.
Dẫn đầu đoàn quân vẫn là các chiến sĩ trinh sát trung đoàn và tiểu đoàn. Đoàn quân phải cắt rừng ngay khi vừa rời căn cứ. Ở miền biên giới này thì chỗ nào cũng là rừng, là núi, là khe suối… Đoàn quân đi xuyên qua những khoảng rừng thưa, những khoảng đất tương đối thoáng rồi lại đi vào những vùng rừng rậm hơn. Tất cả đều phải tránh đường lộ cũ và đường mòn, để đề phòng địch phục kích hoặc mìn. Thời gian hành quân không nghỉ, trên vai các chiến sĩ là những ba lô gạo và hàng hóa nặng.
Đoàn quân lại đi băng qua những rừng cây le và tre nhỏ. Một cảnh tượng thích mắt vô cùng, đó là mùa mưa đến măng mọc nhiều quá trời. Được hái măng này về thái luộc hoặc muối chua mà xào với thịt hộp ăn thì khỏi chê. Vừa đi, tôi vừa tưởng tượng đến món măng xào thịt hộp.
Bỗng phía trước đội hình vang lên 2 tiếng nổ vang trời, ùng, oàng… Theo phản xạ, tất cả mọi người lính đều ngồi thụp xuống. Lệnh trên truyền xuống, 2 đồng đội trinh sát đi đầu đã vướng mìn KP2 của địch. Thật đau buồn vì dính loại mìn này có tính sát thương cao, do khi vướng thì mìn phọt lên khỏi mặt đất khoảng một mét mới phát nổ. Và lượng gang của vỏ mìn dày sẽ xé mảnh rất nhiều gây sát thương lớn. Đây là vũ khí do TQ cung cấp cho bọn Khơ me đỏ Pôn pốt đánh VN ta.
Một lúc sau, lệnh truyền xuống điều động một số người tham gia đội chuyển thương binh quay trở lại căn cứ. Chúng tôi đi lên đội hình để giao lại hàng hóa cho các đồng đội cõng đi tiếp và nhận nhiệm vụ của chỉ huy. Tại đây, 2 thương binh đã được băng bó và nằm trong cáng võng. Một thương binh là lính nhập ngũ 1976, quê Nghi Phương, Nghi lộc, Nghệ An; một thương binh là lính nhập ngũ 1978, quê tỉnh Thuận Hải (cũ). Đội chuyển thương binh gồm: đồng chí Công, trung đội trưởng Cối 82 ly của tiểu đoàn; đồng chí Hùng, trung đội trưởng B thông tin tiểu đoàn; đ/c Tâm (lùn) B thông tin tiểu đoàn (Bình Thuận); đ/c Vinh (Nghi vạn, Nghệ an) quân y tiểu đoàn, cùng 3 đ/c trinh sát tiểu đoàn (lính 78) và tôi.
Đoàn quân tiếp tục đi vào biên giới. Còn chúng tôi, 8 anh em bắt đầu hành trình khiêng cáng 2 đồng đội bị thương quay trở lại. Trời vẫn còn mưa nhỏ, con đường quay lại cũng đầy nước, có những đoạn chúng tôi phải lội bì bõm. Không nói ra nhưng ai cũng thấy sự gian nan, nguy hiểm khi phải đưa thương binh đi về. Khó khăn thì phải cố gắng, nhưng điều quan trọng là con đường trở lại cũng có mìn và địch vẫn hoạt động trong rừng bám theo quân tình nguyện. Nếu chẳng may gặp địch đông thì 8 người này với vũ khí là súng AK, vài quả lựu đạn, không có hỏa lực thì có thể chiến đấu bảo vệ mình và thương binh được không? Toàn đội đều biết điều đó nhưng không ai nói ra.
Chúng tôi phân công 4 người cáng 2 thương binh, 2 người khác đi trước vừa dò mìn và dẫn đường, 2 người đi sau bọc hậu, sẽ thay người cáng khi quá mệt. Toàn đội cứ lầm lũi đi, chẳng biết đã thay bao nhiêu lần người cáng. Chúng tôi đã đi được mấy cây số đường rừng nhưng đi rất chậm vì phải cáng nặng, phải dò mìn, vạch cây rừng mà đi. Trời bắt đầu tối nhanh vì mùa mưa, lúc này ước chừng khoảng 5-6 giờ chiều, toàn đội đi đến một quả đồi tranh. Quả đồi này cũng thoai thoải có nhiều cỏ tranh, đó đây chân đồi, trên đồi có những bụi cây lúp xúp, có những ụ đất nhỏ chắc là ụ mối.
Không thể đi được nữa, toàn đội quyết định dừng chân nghỉ tại đây. Hai thương binh được đưa lên gần đỉnh đồi, quân y và một đ/c chỉ huy ở gần và túc trực chăm sóc thương binh. Còn lại 6 người chia làm 3 vọng gác dưới lưng chừng 3 phía của đồi. Thống nhất nếu có địch hướng nào thì tự độc lập chiến đấu, hai hướng khác sẽ vòng sang yểm trợ. Mật hiệu gác: giả tiếng “Cắc kè”. Kêu “cắc kè” 1 lần, bên kia trả lời 2 lần. Tôi và một đồng đội cùng gác một hướng. Tôi bảo đồng đội gác trước đi, gác từ lúc này (khoảng 6h tối) đến nửa đêm (12h đêm), tôi sẽ gác từ nửa đêm đến sáng cho.Tôi tranh thủ kiếm một ụ đất ngồi xuống dựa vào ba lô cho đỡ mệt. Bụng bây giờ thấy đói nhưng cả đội và thương binh cũng chẳng có gì để ăn.
Toàn đội vừa đói, vừa mệt, cáng thương binh, tử sĩ thật nặng nhưng không ai dám nói nặng vì kêu nặng thì khiêng sẽ nặng hơn.
Khoảng 3 giờ chiều, bỗng nghe 3 phát súng chỉ thiên rất gần, đúng là quân ta đi đón vì đã được báo trước rồi. Chúng tôi bắn chỉ thiên đáp trả 2 phát. Cả đội vui mừng được đồng đội đi đón cáng thương binh, tử sĩ về đến căn cứ an toàn.
Cuộc chiến tại CPC cho đến lúc bấy giờ này đã kéo dài 4 năm. Những người lính đã trải qua cuộc chiến đó đều là những con người can trường, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc. Những ngày sống trong hòa bình, tôi không nguôi nhớ về những đồng đội của mình – những người lính tình nguyện đã chịu bao gian khổ, hy sinh cho những ngày thanh bình hôm nay.v
TP Vinh 12/2021
*Bài được đăng trên đặc san ” LINH KHÍ QUỐC GIA” số xuân nhâm dần.