Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024
Trang chủNHỊP CẦU BẠN ĐỌCBẠN ĐỌC VIẾTNHỚ MÃI NHÀ BÁO LÃO THÀNH NGUYỄN ĐỨC TOẠI

NHỚ MÃI NHÀ BÁO LÃO THÀNH NGUYỄN ĐỨC TOẠI

Trần Thế Tuyển

Nhận tin dữ từ Đại tá Phạm Đình Trọng, nhà báo lão thành Nguyễn Đức Toại từ trần, tôi vội gọi điện cho chị Đức- phu nhân bác Toại. Liên lạc mãi không được, tôi nghĩ chắc chị Đức đang cùng con cháu lo toan sắp xếp hậu sự, nhất là trong lúc đại dịch Covid 19 đang bùng phát, hoành hành khắp nơi.
Cuối cùng tôi cũng gặp được chị Đức. Giọng xúc động, chị Đức nói :
⁃ Mình và các cháu sắp xếp hết rồi. Biết chuyện này sẽ đến nên cả nhà đã chuẩn bị …
Bác Nguyễn Đức Toại sinh năm 1928, nay đã 93 tuổi. Đó là tuổi Vàng ở lại dương gian cùng con cháu. Nhưng cuộc ra đi nào cũng vô cùng thương tiếc, nhất là đối với người như bác Nguyễn Đức Toại.

Tôi đọc và nghe danh nhà báo Nguyễn Đức Toại từ lâu. Nhưng phải sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được diện kiến bác. Đó là khi tôi từ báo Quân khu 7 chuyển về báo QĐND, cơ quan đại diện thường trực phía Nam đặt trụ sở tại 63 đường Lý Tự Trọng, TP HCM. Đặt ba lô xong, một trong những người đầu tiên, anh Phạm Đình Trọng ( lúc ấy là Phó Trưởng ban Đại diện ) dẫn tôi ” ra mắt “là bác Đức Toại. Tôi không ngờ người mà tôi ” văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” lại là một nhà báo cao niên
nhưng tác phong còn nhanh nhẹn và tư duy còn minh mẫn, sắc sảo đến thế.
Lại nữa, biết phu nhân của bác là đồng hương Hải Hậu của tôi, nên tình cảm có phần tự nhiên, gắn bó hơn.
Là thế hệ cha chú về đời thường, thầy về nghề nghiệp, tiền bối về cống hiến cho đất nước, nhưng bác Toại rất thân tình, gần gụi với lớp trẻ chúng tôi. Tôi nhớ mãi, khi chúng tôi viết được cái gì đó, một bài báo, bài thơ hay in một cuốn sách, chụp được tấm ảnh..
, bác Toại đều đọc, xem và có nhận xét thật chân tình, theo hướng gợi mở, tạo cảm hứng cho chúng tôi tiếp tục làm việc. Tập thơ Ngực đá của tôi ( NXB Văn nghệ TPHCM – 1997) là một trong số cuốn sách mà bác Toại quan tâm. Gặp tôi, bác Đức Toại hay nói đùa : ” Chào tác giả Ngực đá cũng phải mềm…”.
Tôi quý trọng bác không chỉ nhân cách mà còn nghề nghiệp. Là một trong số nhà báo tiền bối của báo QĐND, bác Nguyễn Đức Toại để lại nhiều ấn tượng đẹp. Đó là “ông vua “đặt tít; đó là tác giả của ” điển hình của điển hình” . Nhiều câu nói của các điển hình tiên tiến của quân đội ta trong kháng chiến như các anh hùng : Nguyễn Viết Xuân, Lê Mã Lương, Út Tịch, Thái Văn A, Bùi Ngọc Đủ…,
gắn liền với sự phát hiện của các nhà báo quân đội, trong đó có nhà báo Nguyễn Đức Toại. Nếu gọi các nhà báo quân đội là ” Chiến sĩ nhà báo” thì các phóng viên chiến trường là những người đầu tiên. Bác Toại đã cùng đồng nghiệp, đồng đội của mình, trong đó có các nhà báo lừng danh: Lê Đình Dư, Ngọc Nhu, Lục Văn Thao, Khánh Vân, …đã góp phần làm nên giá trị đó.
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ( tháng 4 năm 1975), nhà báo Nguyễn Đức Toại đã cùng các phóng viên chiến trường: Phạm Phú Bằng,Hồ Sĩ Bằng, Vũ Ba, Mạnh Hùng… bám sát bước chân chiến sĩ kịp thời gửi đến bạn đọc các bài báo, tấm ảnh hừng hực hơi thở chiến trường; trong đó có bài ký đăng nhiều kỳ ” Từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị ” của Nguyễn Đức Toại.
Cuộc đời cách mạng của nhà báo lão thành Nguyễn Đức Toại đầy gian nan, thách thức, cả việc công và việc tư. Song, do sự từng trải và
phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ, dường như việc gì ông cũng thu xếp tốt đẹp, để lại cái hậu nhân văn cao quý. Đặc biệt tấm lòng của ông với đồng đội, nhất là những người đã hy sinh vì tổ quốc…
Chị Đức kể với tôi những giây phút cuối cùng của Đại tá nhà báo lão thành Nguyễn Đức Toại. Khi nhắc về đồng đội và bà con đang gồng mình vượt qua đại dịch Covid 19, đôi mắt của người lính già ngấn lệ. Chị Đức hôn ba lần lên vầng trán của người bạn đời. Ông giơ đôi tay khẳng khiu như cành bàng mùa đông trên đường Phan Đình Phùng( Hà Nội ) nơi đặt trụ sở tòa soạn báo QĐND lên vồng ngực như chia tay, vĩnh biệt người và đất mà cả đời ông yêu thương, cống hiến./.

SG, 18- 8-2021

 

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây