Bước qua tuổi 72 nhưng thương binh Vũ Văn Dán, quê Nam Định vẫn chưa chọn cuộc sống an nhàn bên gia đình, con cháu. Ròng rã 30 năm qua, người thương binh ấy vẫn rong ruổi khắp các chiến trường, đơn vị cũ để tìm hài cốt đưa đồng đội về với quê cha đất tổ.
Trong buổi lễ đưa tiễn liệt sĩ Nguyễn Duy Cải từ trạm khách T67, Quân khu 7 về với quê hương Thái Bình, chúng tôi gặp ông Vũ Văn Dán, người thương binh lặng lẽ đi tìm đồng đội suốt 30 năm qua. Nghe tiếng ông Dán đã lâu nhưng nay mới có dịp “tay bắt mặt mừng’’. Trong suốt thời gian tổ chức lễ truy điệu, ông Dán tất bật chuẩn bị hương hoa, tiếp các đoàn đến tiễn đưa liệt sĩ Cải.
Nói về ông Dán, mọi người thường gọi đây là con người trọn nghĩa vẹn tình bởi từ lúc gắn bó với công tác tri ân liệt sĩ đến nay, việc gì vào tay ông cũng tươm tất. Không chỉ dành thời gian truy tìm thông tin, xác dịnh danh tính rồi lặn lội về các chiến trường xưa bốc hài cốt, ông còn tận tụy đưa các liệt sĩ về với đất mẹ, đến khi hạ huyệt mới an tâm.
Ông Vũ Văn Dán cùng đồng đội bên hài cốt liệt sĩ Nguyễn Duy Cải.
Như trường hợp liệt sĩ Cải, ông Dán từ Đồng Nai lên TP.HCM đồng hành cùng gia đình liệt sĩ đi Tây Ninh cất bốc hài cốt, sau đó ông lên chuyến tàu đưa đồng đội về quê hương Thái Bình. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn ký lô mét, cách xa về vị trí địa lý nhưng ở đâu có thông tin của đồng đội, ông Dán lại lên đường.
Dù vất vả, khó khăn nhưng chưa bao giờ ông có ý định bỏ cuộc, ông nói rằng bản thân mình là thương binh, may mắn hơn rất nhiều so với những người đã hy sinh, công việc ông làm ngày hôm nay chỉ là làm tròn trách nhiệm, bổn phận với những đồng đội một thời mang súng, khoác ba lô.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ông Dán là lính của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, Quân khu 7, sau đó ông về công tác tại Phòng Chính trị Sư đoàn 5 đến khi nghỉ chế độ.
Xót thương đồng đội, năm 1993, ông bắt đầu làm công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở địa phương, thời điểm đó Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Đồng Nai chưa ra đời.
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TPHCM tặng Bằng khen của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cho CCB Vũ Văn Dán.
“Ngày ấy, nghe thông tin là tôi cứ đi, năm 2008, tôi đã cất bốc và đưa một liệt sĩ từ Tây Ninh về Thanh Hóa. Từ đó, thông tin lan tỏa ra, nhiều người bắt đầu biết đến tôi. Đến nay, tôi đã đưa hơn 10 hài cốt về các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình, Hòa Bình… còn số đưa từ địa bàn về nghĩa trang thì rất nhiều’’, ông Dán nói.
Chỉ tính riêng trong tháng 5/2023, ông Dán đã hỗ trợ đưa 2 liệt sĩ từ Tây Ninh và Long An về Thái Bình, 1 liệt sĩ từ Tiền Giang về Đồng Nai.
Suốt thời gian gắn bó với liệt sĩ, nhiều lần ông không cầm được nước mắt vì có liệt sĩ lúc đưa về còn mỗi ống chân, có những đồng chí đã hóa thành tro bụi… Thương đồng đội lắm, ngày đi khỏe mạnh, lành lặn, giờ về mọi thứ không còn vẹn nguyên.
Người CCB luôn tận tuỵ với đồng đội.
Đối với ông Dán, điều may mắn nhất là được gia đình, bạn bè ủng hộ. “Làm công tác tìm kiếm liệt sĩ không phải dễ dàng, ngoài cái tâm thì mọi chi phí phải tự trang trải, nhiều người nói tôi làm việc bao đồng nhưng có ai hiểu hết nghĩa của hai từ đồng đội, cứ nghĩ đến cảnh mình ăn no mặc ấm mà đồng đội vẫn chưa có được nén nhang thơm tôi lại không yên lòng’’, ông Dán tâm sự.
Những năm gần đây, ông Dán chủ yếu tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cùng đơn vị ở chiến trường Đông Nam Bộ, trong đó tập trung các tỉnh miền Tây. Theo ông, so với trước đây, công tác tìm kiếm liệt sĩ ngày nay có sự tiến bộ nhờ áp dụng khoa học công nghệ, như việc xét nghiệm AND để xác định danh tính liệt sĩ.
“Tôi và Đại tá Lê Thanh Song, ông Nguyễn Viết Quản… là những người chuyên đi cất bốc hài cốt. Trong đó, Đại tá Song có kinh nghiệm ở Phòng chính sách Quân khu 7 nên sẽ chủ động tìm kiếm thông tin. Sau đó chúng tôi về đơn vị cũ hỏi thủ trưởng hoặc những người đồng đội cùng chiến đấu còn sống xem ai biết tin tức về liệt sĩ này, từ đó phối hợp truy tìm, cất bốc, đưa về quê’’, ông Dán cho biết.
Là người luôn đau đáu với công tác tri ân liệt sĩ, ông Dán cho rằng việc thành lập Hội, Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tại các tỉnh, thành là rất cần thiết. Ông cũng đồng tình, ủng hộ việc thành lập thư viện liệt sĩ của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, theo ông đây là những việc nên làm để trả món nợ ân tình với đồng đội.
Hiện ông Dán là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Đồng Nai. Năm 2020 và 2022, ông vinh dự được nhận Bằng khen của Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam.
Hoàng Da