Thứ Hai, Tháng Chín 9, 2024
Trang chủHOẠT ĐỘNG HỘI3 năm, một hành trình nghĩa tình đáng nhớ

3 năm, một hành trình nghĩa tình đáng nhớ

Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM được thành lập, cũng trọn vẹn 3 năm tôi gắn bó với những công việc của Hội. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thấy mình đã rất may mắn khi được là một thành viên được đồng hành trong các hoạt động nghĩa tình của Hội. Nói như chủ tịch Trần Thế Tuyển, liệt sĩ đã chọn tôi cho công việc này.

Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM được thành lập bởi những cựu chiến binh, những người đã từng vào sinh ra tử trong chiến trường. Rời quân ngũ về với đời thường, trong họ vẫn canh cánh nỗi niềm, làm sao để tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì độc lập của dân tộc. Làm gì để góp phần bù đắp những mất mát đau thương của những gia đình có thân nhân hy sinh vì tổ quốc? Làm gì để xoa dịu được nỗi đau vẫn còn dai dẳng trên thân mình những đồng đội bỏ lại một phần thân thể trên chiến trường xưa? Các anh, các chú tuổi đời đều không còn trẻ, người ít cũng ngoài 60, người nhiều đã bước qua tuổi bát tuần, đều chung một bầu nhiệt huyết, đều vác cơm nhà đi trả nghĩa đồng đội. Và tôi, tôi may mắn khi được sát cánh cùng các anh, các chú.

Nói may mắn, là bởi tôi không xuất thân là một người lính. Là một nhà báo, tôi có cơ duyên quen biết với anh Trần Thế Tuyển, một người anh, một người thầy của cánh phóng viên chúng tôi. Một dịp tình cờ anh em gặp nhau, anh Tuyển rủ: “mai có lễ giỗ liệt sĩ ở Long Khốt, em đi dự nhé”. Và lần dự lễ giỗ liệt sĩ ở Long Khốt đó để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, lòng tin của người dân Vĩnh Hưng về sự linh thiêng của các liệt sĩ đã nằm xuống trên mảnh đất này. Như một điều gì đó rất tự nhiên kể từ đó, cứ có hoạt động nào liên quan đến tri ân liệt sĩ mà anh Tuyển gọi là tôi lại có mặt. Và cũng tự nhiên như thế, tôi thành một thành viên của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.

Nhà báo Đan Hà (bìa trái, hàng trước) trong chuyến tặng quà gia đình chính sách.

3 năm, quãng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ cho chúng tôi có những hoạt động đong đầy cảm xúc, có những chuyến đi thấm đẫm nghĩa tình. Có lẽ, những lần đi thăm, tặng quà Mẹ VNAH luôn để lại những cảm xúc xúc động mãnh liệt cho chúng tôi. Hiện tại, những Mẹ còn sống không còn nhiều. Các mẹ đều đã rất lớn tuổi, chạm ngưỡng 90 – 100 cả rồi. Có mẹ, trên 100 tuổi vẫn khỏe mạnh minh mẫn, nghe có các con đến thăm ngồi chờ từ sáng, hối con cháu chuẩn bị mâm cơm để “trưa chúng nó có cái mà ăn với mẹ cho vui”. Có mẹ, sức khỏe yếu, thấy các con vào tận giường thăm vẫn hấp háy cười. Có mẹ lại nhớ nhớ quên quên, nhưng chỉ hình từng đứa con liệt sĩ kể không trật chút nào.

Chúng tôi chạy đua với thời gian để được thăm các mẹ nhiều hơn, để được nghe các mẹ kể chuyện ngày xưa tiễn chồng tiễn con đi bộ đội, mà có lúc vẫn phải ngậm ngùi lỡ hẹn. Lúc lên kế hoạch, danh sách còn có mẹ, ngày xuống đến nơi, mẹ đã về với những đứa con đã nằm xuống của mẹ.

3 năm, quá non trẻ hành trình của một tổ chức xã hội, mà ở đó, chúng tôi không được cấp ngân sách, hoạt động bằng nguồn quỹ được gây dựng từ lòng hảo tâm của các nhà tài trợ và bằng sự đóng góp của chính các thành viên chúng tôi, người ít, người nhiều, chung tay vì các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Từ tấm lòng đã lay động tấm lòng.

Ngay từ khi mới thành lập, đã có rất nhiều những cánh tay đưa ra cho chúng tôi. Tiền được chuyển về, để xây sửa nhà cho các gia đình liệt sĩ, để chăm lo cho Mẹ VNAH, để chăm sóc thương binh. Và cả những việc làm mang ý nghĩa tinh thần thầm lặng như đi tìm hài cốt liệt sĩ, hỗ trợ các gia đình mang hài cốt các anh trở về quê nhà, tra cứu lập danh sách liệt sĩ, vận động xây đền thờ liệt sĩ… Hàng trăm đầu việc cứ thế tiếp nối nhau, được hoàn thành một cách xuất sắc bởi những con người, đáng ra đã phải được nghỉ ngơi vui thú điền viên bên con cháu.

3 năm, đó là sự ủng hộ thầm lặng nhưng bền bỉ và mạnh mẽ từ hậu phương của các anh, các chú. Chắc chắn chúng tôi đã không thể hoạt động được hiệu quả như vậy nếu không được hậu phương của các anh, các chú ủng hộ. Hằng ngày phải nhìn chồng mình tất tả đi làm việc “bao đồng”, tốn xăng xe, tốn thời gian, sức khỏe và trở về nhà không mệt mỏi vì công việc thì cũng là những ưu tư bởi những việc còn chưa làm được cho đồng đội, hẳn người phụ nữ nào cũng xót xa. Ấy vậy mà các nội tướng của đoàn quân trong Hội không những không phàn nàn kêu ca mà còn chung tay góp sức.

 Không chỉ là chăm sóc sức khỏe cho các anh, chăm lo gia đình cho yên ấm để chồng yên tâm lo công việc, các chị các cô còn đóng góp cả của cải vật chất cho công việc thiện nguyện mà chồng mình theo đuổi. Không ít các chị, trích từ nguồn quỹ gia đình, góp vào quỹ hội những căn nhà tình nghĩa, góp vào quỹ hội những đồng tiền chắt chiu để hội còn có nguồn mà hoạt động. Ân tình đó, kể bao nhiêu cho hết. Chỉ có thể gói gọn, bởi đó chính là tình yêu thương.

3 năm, ai đó hỏi vì sao tôi lại chọn làm những công việc như thế? Chắc tôi cũng không lý giải được tại sao. Nhưng có lẽ, bởi trong tôi cũng chảy dòng máu của những người lính. Bố tôi từng là một người lính, bác sĩ quân y Quân đoàn 3 anh hùng, đi qua những năm tháng cuộc chiến biên giới Tây Nam. Các chú tôi người thì thương binh, người là quân nhân chuyên nghiệp. Ông nội tôi và các em ông, một nhà 4 người liệt sĩ. Bà cố tôi, một bà mẹ VNAH. Truyền thống gia đình, sự hy sinh máu xương của các thế hệ đi trước có lẽ đã dẫn dắt tôi, để hôm nay, tôi may mắn được góp một phần công sức bé nhỏ vào công việc tri ân nghĩa tình này.

3 năm trôi qua, rồi thời gian sẽ còn dài hơn thế nữa. Chỉ mong những chiến binh thầm lặng trong công cuộc đền đáp nghĩa tình của chúng tôi giữ mãi được sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho đời những trái ngọt cây xanh.

Đan Hà

Bài viết liên quan

ĐỂ LẠI BÌNH LUẬN

Nhập nội dung bình luận
Nhập tên của bạn

Bài viết phổ biến

Bình luận gần đây