CHUYẾN HÀNH QUÂN ĐẶC BIỆT
Kim sáng
Những ngày giữa tháng 4, Đoàn công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh do Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển dẫn đầu đã về với mảnh đất Tây Nguyên oai hùng. Sở dĩ đây được gọi là chuyến hành quân “đặc biệt” bởi nó hội tụ rất nhiều yếu tố mà các thành viên trong đoàn ví như “trăm năm mới có một lần”.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM dâng hương tại Ngục Kon Tum
Xuất phát từ TP.HCM, đoàn công tác với gần 20 thành viên lên đường đến với huyền thoại Tây Nguyên, ngoài các thành viên chủ chốt của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, đoàn còn có sự đồng hành của các phu nhân, những người luôn kề vai sát cánh trong các hoạt động của Hội.
Đặc biệt, đoàn vinh dự đón thêm Trung tướng Nguyễn Đức Hải – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lưu Phước Lượng – nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cùng đi.
Nhằm đảm bảo sức khỏe của cả đoàn trong chuyến công tác, ba bác sĩ của Bệnh viện 115 và Phòng khám Quốc tế Sài Gòn cùng nhiều vật tư y tế cũng sẵn sàng lên đường. Chuyến đi lần này, nhiệm vụ quan trọng nhất của Đoàn là tham dự Lễ khánh thành Bia ghi danh tưởng niệm các liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 (Đoàn Cao – Bắc – Lạng) hy sinh năm 1967 tại chiến trường Đắk Tô – Tân Cảnh. Đây là công trình do Ban Liên lạc CCB Trung đoàn 174 và Sở Lao động – Thương binh xã hội tỉnh Kon Tum phối hợp thực hiện nhằm tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của nước nhà.
Theo thống kê, có khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 đã anh dũng hy sinh, đến nay vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt và chưa xác định được danh tính.
Cạnh đó, Đoàn dừng chân tại nhiều địa điểm như: Ngục Kon Tum, Bảo tàng Kon Tum, Nhà thờ gỗ, Tượng đài Quân đoàn 3, Bảo tàng Quân đoàn 3… thăm hỏi các đơn vị quân đội và dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.
Dịp này, Đoàn cũng đến dâng hương Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Đây là công trình tâm huyết của Đại tá Trần Thế Tuyển khi ông còn giữ chức Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Công trình được xây dựng gần cột mốc ngã ba biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia với tổng kinh phí hơn 15 tỷ đồng.
Đoàn công tác Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM thăm Quân đoàn 3
Đặc biệt, dưới sự hướng dẫn tận tình của Trung tướng Nguyễn Đức Hải – nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Quốc phòng, người có hơn 30 năm gắn bó với chiến trường Tây Nguyên, các thành viên trong Đoàn đã có cơ hội hiểu thêm về giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.
Trở lại chiến trường xưa trong vai trò cố vấn của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP. HCM, Trung tướng Nguyễn Đức Hải không giấu hết sự bồi hồi, xúc động, ông cảm giác như mình được sống lại những năm tháng lịch sử bởi từng tấc đất, ngọn cỏ nơi đây đều in hằn ký ức bên đồng đội, quân dân.
Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển – Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM tặng Sư đoàn 10 đặc san “Linh khí quốc gia”
Còn đối với Nhà báo Đan Hà, chuyến đi Tây Nguyên lần này là một dịp đặc biệt để thay người cha quá cố về thăm lại chiến trường xưa. Tây Nguyên ngày trở về được Nhà báo Đan Hà ngẫu hứng qua những vần thơ:
Tây nguyên ơi
Tôi đã về vùng đất thiêng liêng
Giữa những ngày tháng tư ngập tràn nắng gió
Thăm dải đất anh hùng một thời máu lửa
Lịch sử viết bằng xương máu ông cha
Dải đất này nắng cháy thịt da
Những cơn mưa nguồn cuộn trào dòng sông ngầu đỏ
Những cánh rừng già, những ngọn đồi lộng gió
Có tấc đất nào không thấm đẫm những hy sinh
Mỗi khúc quanh, một dấu mốc, một cái tên
Đều dệt bằng những chiến công huyền thoại
Của bộ đội, của dân quân, của nhân dân vĩ đại
Hy sinh thân mình, máu nhuộm đỏ non sông
Các anh dang tay thành sắt thành đồng
Thành lửa thiêng thiêu quân thù cháy rụi
Để hôm nay giữa hồn thiêng sông núi
Các anh cùng về hát chung khúc hoan ca
Những ngày tháng tư rực rỡ cờ hoa.
Về với Tây Nguyên, các thành viên trong đoàn như trở về với quê hương bởi mọi thứ nơi đây đều thân thuộc, gần gũi, con người Tây Nguyên cũng rất hiếu khách. Có lẽ những ai mới đi lần đầu sẽ mong ước đi thêm nhiều lần nữa bởi Tây Nguyên đã đến chẳng ai muốn quay về.
Đại tá Trần Thế Tuyển chụp hình cùng chiến sĩ bảo vệ Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn (người xây đền và người giữ đền).
bài và ảnh KIM SÁNG