VÙNG ĐẤT NƠI CHIẾN TRANH ĐI QUA
Trung tướng PGS-Tiến sỹ : NGUYỄN ĐỨC HẢI
Với khát vọng “không có gì quý hơn Độc lập Tự do”, cả nước cùng ra trận, lớp lớp thanh niên từ hậu phương lớn lên đường vào miền Nam cầm súng chiến đấu, trong số đó nhiều thế hệ đã vượt Trường Sơn chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên cam go và quyết liệt. Tổ quốc thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Niềm vui chiến thắng như vỡ oà trong mỗi người con đất Việt. Nhưng còn đó, nỗi đau thương mất mát của đồng đội, các anh đang ở nơi đâu giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, để anh em đồng chí, gia đình, người thân mong mỏi lặn lội đi tìm.
Nghĩa Trang ” ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN LIỆT SĨ”
* Ước nguyện của Bố mẹ đi tìm con ở tuổi xế chiều
Tháng 11, Tây Nguyên bước vào mùa khô, nắng, gió và bụi. Chúng tôi thật cảm động khi được tiếp đón ông Cạ tuổi 82 từ Hà Tĩnh vào Kon Tum đi tìm mộ liệt sĩ, người con duy nhất của gia đình nhập ngũ vào Trung đoàn 28 chiến đấu và hy sinh trong chiến dịch Sa Thầy 1970. Trong ánh mắt đượm buồn sâu thẳm, những giọt mồ hôi vẫn lăn trên gò má qua bao mùa mưa nắng. Đặt chiếc ba lô đã bạc màu lên ghế, ông chậm rãi, xúc động kể cho chúng tôi nghe: “Bà nhà tôi năm nay 83 tuổi ốm nằm liệt giường nhiều năm nay chỉ một nguyện vọng duy nhất tìm cho được hài cốt đứa con trai yêu quý hy sinh giờ đang ở nơi đâu. Bà nói tôi “ông phải vào đơn vị ở Tây Nguyên nơi con chiến đấu và hi sinh nếu không tìm được thì ông lấy nắm đất nơi chiến trường con chiến đấu về đặt lên bàn thờ để tôi yên lòng nhắm mắt xuôi tay”. Vết thương chiến tranh làm cho trái tim thêm nhức nhối trong mỗi gia đình. Trung đoàn 28 đoàn Đăk-tô cử một Trung đội trinh sát với trang bị đầy đủ, phối hợp địa phương cắt suối, xuyên rừng lần tìm theo các thông tin cung cấp. Sau chiến tranh các nghĩa trang mặt trận địa phương liên tục quy tập, cất bốc, di chuyển. Mười ngày đối chiếu hồ sơ khối lượng nghiên cứu trên thực địa và thật may mắn người đồng đội của chúng tôi, người con trai yêu quý của gia đình hy sinh đã được quy tập, anh đã về yên nghỉ tại nghĩa trang Thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Trong khói hương chiều nghĩa trang lộng gió, ông như nén lại nỗi đau thương mất mát mà suốt bao năm mong đợi, ánh mắt ông như sáng lên ông gọi: “Bà ơi tôi đã tìm được con rồi, con và đồng đội đang yên nghỉ trong lòng đất mẹ Tổ quốc rồi – bà yên tâm nhé”, đôi bàn tay ông run rẩy vuốt lên ngôi mộ như vỗ về ru con giấc ngủ ngàn năm.
- Con đi tìm Cha – “Cha ơi ở đâu?”
Dịp 27/07/2010, sau cơn mưa vừa dứt, thắp nén nhang trên ngôi một trong nghĩa trang huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai; Em cố ghìm nén, nuốt từng giọt nước mắt để không oà lên tiếng khóc. Em kể chúng tôi nghe hành trình đi tìm người cha thân yêu của mình trên khắp chiến trường Tây Nguyên mà một thời ông đã chiến đấu và hy sinh trên mặt trận. Từ Nghệ An ông vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, tham gia chiến dịch Plei-me năm 1965 khi em vừa tròn một tuổi. Trong kí ức em không thể hình dung vóc dáng cha mình. Lớn lên, nghe mẹ kể em mường tượng người chiến sĩ giải phóng quân ấy là một con người hiền lành, giản dị nhưng đầy bản lĩnh, gai góc kiên cường như miền quê xứ Nghệ. Chiến dịch Plei-me diễn ra trong khu vực Bàu Cạn – Đức Cơ – Ia Drăng từ 19/10/1965 đến 26/11/1965 – là một chiến dịch đánh lớn quân Mỹ đầu tiên trên chiến trường Tây Nguyên. Cuộc chiến khốc liệt, đối phương vũ khí, phương tiện tối tân. Quân giải phóng Tây Nguyên với cách đánh mưu trí, sáng tạo đã lập nên chiến công kỳ tích, giáng cho Mỹ đòn thất bại thảm hại. Chiến dịch kết thúc và ông cũng đã anh dũng hy sinh nơi chiến trận, Tây Nguyên giải phóng, đất nước thống nhất năm 1975. Khi em trưởng thành, công tác trong cơ quan nhà nước, khát khao được tìm Cha, Mẹ tuổi tác ngày một yếu dần càng thôi thúc em đi tìm … ước nguyện Mẹ ngày đêm mong mỏi. Vợ chồng em có khi chỉ mình em lặn lội hết năm này sang năm khác, không địa bàn nào nơi chiến dịch diễn ra mà em không đến, tìm hiểu, hỏi han bà con địa phương, nhờ chính quyền địa phương. Phải kể đến anh Bảng – bí thư huyện uỷ cũng hết sức tận tình giúp đỡ với nhiều hướng giải pháp. Và cuối cùng cũng đã tìm được người Cha thân yêu yên nghỉ nơi nghĩa trang Chư Prông một thời khói lửa. Sự hy sinh để Tổ quốc được trường tồn của người chiến sĩ giải phóng quân trên chiến trường Tây Nguyên là ngọn lửa cách mạng, tiếp sức mạnh, niềm tin, nghị lực cho người con gái Lê Thị Thuỷ tiếp tục sự nghiệp cách mạng tô thắm trêm trang sử hào hùng của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
- Và đồng đội đi tìm nhau
Trong bữa cơm tiếp đoàn cự chiến binh tỉnh Vĩnh Phúc về thăm chiến trường xưa và đi tìm đồng đội tại Sở chỉ huy Quân đoàn 3, một cựu chiến binh tóc đã bạc bỗng oà khóc và nấc nghẹn. Anh nói với tôi: “Anh giúp tôi chén cơm để ra thắp hương cho bạn”…Chuyện kể rằng: Trong trận đánh vào Đức Cơ năm 1970, địch bố trí hàng rào dây kẽm gai và mìn xung quanh căn cứ dày đặc. Bộ phận trinh sát được lập khẩn trương tiếp cận trên hướng nghi binh tạo điều kiện cho hướng tấn công chủ yếu tiêu diệt địch. Hoả lực địch tập trung đánh trả quyết liệt. Tôi và bạn tôi lúc này đang luồn sâu vào hàng rào địch, không may đồng đội tôi bị thương nặng kêu khát nước, tôi lấy bi đông chỉ còn ngụm nước cuối cùng đưa cho đồng đội uống và động viên cố gắng chịu đựng xong trận đánh rút về cứ chúng ta cùng ăn cơm. Nắm cơm vẫn còn đấy khi xuất kích chưa kịp ăn, thế rồi bạn tôi đã không kịp về. Tôi cũng bị thương ngất đi trong trận đánh. Sau khi kết thúc trận đánh, không hiểu sao tôi lại nằm điều trị tại đội Phẫu của mặt trận. Bạn tôi không biết nằm nơi đâu. Chiến tranh kết thúc, chúng tôi gom góp để có điều kiện quyết tâm đi tìm đồng đội bởi gia đình bạn tôi rất khó khăn. Và sau rất nhiều năm lặn lội khắp chiến trường năm xưa, bây giờ đã thay đổi địa hình rất nhiều, may mắn hôm nay gặp được bạn yên nghỉ thẳng hàng cùng đồng đội oai nghiêm trong nghĩa trang Thành phố Pleiku bên cạnh Quân đoàn 3. Cầm chén cơm trên tay nhớ về nắm cơm ngày vào trận bạn mình ra đi chưa kịp ăn mà lòng quặn thắt, tôi an ủi anh “lát nữa tôi sẽ sắp một mâm cơm chúng ta cùng đặt lên cúng ở tượng đài liệt sĩ để bạn anh và đồng đội chúng ta cùng chia sẻ, quây quần bên nhau”.
Chiến tranh là vậy, bao đồng đội được trở về với người thân, với quê hương xứ sở nhưng còn đó những đồng đội mãi mãi không về, các anh hoá thân vào đất đỏ cho Tây Nguyên thêm xanh, để lại cho gia đình và đồng đội nỗi niềm tiếc thương vô hạn. Xin gửi nén hương lòng về những người con, những đồng đội đã hy sinh, các thương binh, bệnh binh, mẹ Việt Nam anh hùng đã hiến dâng một phần máu thịt và cuộc đời đẹp nhất cho vinh quang của Tổ quốc; nhân dịp kỉ niệm 74 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27/07/1947- 27/07/2021.
NĐH